LỜI CĂN DẶN CỦA ĐỨC PHẬT TRƯỚC KHI NHẬP NIẾT BÀN

Phật pháp chính là chiếc thuyền cứu vớt những người đang còn đắm chìm trong những dòng sông tội lỗi. Cái hay của Phật pháp là giúp chúng ta tạo nên niềm tin nơi chính mình. Từ đó mà chúng ta có thể tự mình đứng lên một cách vững chắc mỗi khi vấp ngã. Người trí thì không cần nương tựa vào ai, mà tự mình phán xét, tìm ra lẻ thật cuộc đời, còn người mê lầm, chưa đủ sáng suốt, chưa có niềm tin thì phải nương vào thầy lành, bạn tốt, tránh xa kẻ xấu ác thì mới có thể làm lại cuộc đời.

" Không thể nhờ trời Phật
Hay thần linh thượng đế
Nếu tự mình vấp ngã
Thì chính mình đứng lên
Khi mê thì Phật độ
Khi ngộ thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật. "

Trong Kinh Pháp Cú trước khi Đức Phật nhập Niết Bàn Đức Phật đã từng căn dặn các hàng đệ tử của mình:

" ...Này các Tỳ Kheo!
Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi
Hãy là đảo cồn nương tựa nơi chính mình
Hãy tự mình nương tựa nơi Chánh Pháp
Tất cả thế gian là vô thường
Hãy tinh tấn lên để giải thoát "
Hỡi những người rất thương yêu của ta. "

Đức Phật chỉ dạy con người phương pháp tự mình tu tập để tìm hạnh phúc. Hạnh phúc đó chẳng phải do sự ân sủng của đấng vô biên, mà hạnh phúc đó có được là do mỗi người tự soi sáng, thắp ngọn đuốc tuệ giác tự thân để liễu đạt bản thân của ta chính là niềm tối vĩnh tối đại rạng ngời hạnh phúc, nếu ta biết quán chiếu chế phục, điều ngự trong tư tưởng và hành động của mình:

" Thân ta đảo ngọc hầm châu,
Khéo nương tựa lấy nọ cầu chi ai
Tự mình chế phục hôm mai
Cứu tinh không có ở ngoài ta đâu.
(Dhammapada). "

Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta hãy thắp ngọn đuốc tự thân nơi chính mình? Vì ngọn đuốc ấy là ngọn đuốc trí tuệ, vì trí tuệ là căn bản, là nền tảng cho mọi tiến trình hướng đến giác ngộ và giải thoát, là cơ sở giúp hành giả đoạn trừ lậu hoặc, chấm dứt cội gốc của sanh tử luân hồi.

Đây là một điểm son độc đáo của đạo Phật, là một nét tuyệt mỹ trong giáo lý Phật-đà, kêu gọi sự tự do, tự lực, tự tri của mỗi người, hãy nhận diện và thảnh thơi trong đời sống tâm linh, đạp đổ mọi thành trì của các giáo quyền và thần quyền đã bủa vây tâm thức con người trong bóng tối si mê hằng triệu kỷ nguyên.

Ngài kêu gọi mọi người hãy tự mình là hòn đảo hiền hòa, là thánh địa an lạc bình yên nhất, “không có sự an lạc nào bằng sự an lạc của tâm hồn” (Liên Trì đại sư). Hãy tự mình! Đây là một lời khuyên chân thành mà đức Phật đã thể nghiệm, thể chứng trong suốt quãng đời của mình. Trải qua bao thăng trầm tu tập từ vô lượng kiếp, trải qua bao sự lao nhọc đối đầu với 96 ngoại đạo, đức Phật vẫn áp dụng phương pháp kêu gọi họ bằng sự ý thức và việc làm của họ, nhận thức được giá trị Chân-Thiện-Mỹ chân hạnh phúc của mình. Ngọn đuốc mà Ngài nói ở đây không gì khác đó chính là giá trị an vui chân thật, là hạnh phúc không có bóng dáng của sầu đau, là tâm linh và sự an tịnh vững chãi, là gia bảo, cố hương, minh châu, chân như, Phật tánh, v.v… Đặc biệt, giáo pháp Ngài giảng dạy không hề có một sự áp đặt, ràng buộc mà chúng chính là kim chỉ nam giúp người hành trình đúng phương vị, không lầm đường lạc lối, uổng mất một kiếp người.

" Ngẫm lời Phật thuyết không sai
Ta nay nhớ lấy hôm mai tu hành
Tám muôn bốn pháp rành rành
Pháp luân Ngài chuyển đắc thành quả cao
Ai mà muốn thoát trần lao
Tuyệt vời thánh đế y vào đoạn sanh.
(Pháp Cú)."



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THUYẾT NÓI VỀ SÁT ĐẠO DÂM

Lời Khấn Nguyện Linh Thiêng

NỢ MẠNG CHÚNG SANH