CÂU CHUYỆN NHẪN NHỤC

CÂU CHUYỆN 1:

Một thằng bé trông cũng to con đang đi trên đường, chợt thấy cái bóp của ai đó đánh rơi. Nó vừa nhặt lên xem thì một đứa bé khác, nhỏ hơn nó, ở đâu chạy tới đòi chia đôi số tiền có trong bóp. Nó không chịu vì muốn trả lại cho người bị mất. Đang dùng dằng, bỗng nó nhìn thấy một người đàn ông loay hoay tìm kiếm một vật gì. Hỏi ra, biết cái bóp nhặt được là của ông ta, nó vui vẻ trả lại. Người đàn ông mừng quá, mở ra xem. Tất cả tiền bạc, giấy tờ trong bóp vẫn còn nguyên. Ông bèn lấy ra năm chục ngàn để “hậu tạ” nó. Thằng bé dứt khoát không lấy. Nó giải thích ngắn gọn : Nếu con muốn thì đã lấy hết rồi, con không trả lại chú đâu. Nghe vậy, ông ta cảm ơn nó rối rít rồi đi. Người đàn ông vừa đi khỏi, thằng bé nhỏ hơn nói :

- Mày đưa tao hai lăm ngàn.

- Tiền gì ?

- Vì tao với mày cùng nhặt được, ông ta cho năm chục thì phải chia đôi, mày hai lăm tao hai lăm.

- Lúc nãy mày không thấy tao trả lại hết cho ông ta rồi à?

- Tao không cần biết, ông ta cho năm chục tức mày hai lăm tao hai lăm, còn trả là việc riêng của mày, tao không biết.

Hai đứa cứ cãi qua cãi lại như vậy một lúc. Thằng nhỏ đòi đánh thằng lớn vì không đưa tiền cho nó. Thằng lớn bỗng đâm đầu chạy. Người ta hỏi nó: “Chẳng lẽ con không đánh lại nó hay sao mà bỏ chạy ?”. Nó trả lời: “Đâu có, nếu con đánh lại là nó chết, con phải chạy để đừng đánh nó”.

Đó chính là sự nhẫn nhục đúng nghĩa

CÂU CHUYỆN 2

Chúng ta từng nghe câu chuyện về ngài Bạch Ẩn. Ông là tấm gương tiêu biểu về hạnh nhẫn nhục. Ngài Bạch ẨN thuộc dòng Lâm tế, ở nước Nhật. Ngài khán công án. Một hôm, không hiểu vì lý do gì, ngài bị Thầy đánh một cái rơi từ trên thềm xuống. Vì chùa ở trên dốc núi nên Ngài bị rơi xuống rất sâu và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Ngài đã ngộ Đạo. Ngài đến trình Thầy và được Thầy chấp nhận. Sau đó, Ngài về làng quê chăn bò thuê. Việc làm này không rõ nhằm mục đích gì, có thể là Ngài muốn rèn luyện hay hàm dưỡng điều gì đó. Khi sống ở làng, Ngài cũng ăn chay, tụng kinh lễ Phật, tỏ ra hiền lành nên mọi người gọi là ông sư, và ai cũng thương quý Ngài.

Ngài cất chòi ở và chăn bò thuê được một thời gian thì trong làng xảy ra chuyện. Một cô gái chưa chồng bỗng dưng bụng ngày một to. Khi cha mẹ tra hỏi, lúc đầu cô chối quanh co, sau đó cảm thấy không ổn nên cô đã đổ tội cho ông sư. Có lẽ cô cho rằng như vậy là đỡ rắc rối nhất. Cha mẹ cô nghe vậy, đến mắng chửi Ngài thậm tệ. Ngài chỉ hỏi :“Vậy à” rồi im lặng.

Từ đó, người làng coi Ngài không ra gì nữa. Giá trị quan trọng nhất của một người tu là phạm hạnh trong sạch. Ngài phạm tội nặng như vậy, còn gì giá trị nữa. Khi đứa bé được sinh ra, người ta mang đến giao cho Ngài nuôi. Ngài nhận em bé nhưng không biết nuôi như thế nào. Hằng ngày, Ngài phải ẵm em bé đi xin sữa hàng xóm. Thời gian trôi qua chừng vài năm, cô gái cảm thấy ray rứt bèn thú thật, bố đứa bé không phải là vị sư tội nghiệp kia mà là anh chàng bán cá ngoài chợ. Biết sự thật, cha mẹ cô gái đến xin lỗi Ngài. Lúc này, Ngài cũng chỉ nói: “Vậy à”, rồi trả đứa bé lại cho mẹ nó, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Đó là một tấm gương nhẫn nhục tuyệt vời. Ngài đã chịu đựng sự vu khống, sự nhục nhã, mất thể diện, mất danh dự một cách bình an, không hề oán ghét giận hờn. Quả là một sự nhẫn nhục rất tiêu biểu, rất đúng nghĩa.

trường hợp Ngài Bạch Ấn chúng ta thấy Ngài tu rất đúng, không coi trọng danh dự, thể diện nên đã nhẫn nhục một cách phi thường. Trong khi đó, Ngài vẫn sống rất đàng hoàng, nghiêm túc. Đó là thái độ rất đúng của người tu theo đạo Phật. Bởi vậy, trong cuộc sống, có lúc bị người ta chỉ trích, nói xấu, chúng ta cũng không phản ứng, không trả đũa, không cải chính, không biện minh, lòng không hề oán hận, tiếp tục sống cuộc đời rất đàng hoàng, Đạo đức tốt đẹp. Người sống như vậy là người biết nhẫn nhục cao độ.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THUYẾT NÓI VỀ SÁT ĐẠO DÂM

Lời Khấn Nguyện Linh Thiêng

NỢ MẠNG CHÚNG SANH