BỨC THƯ GỞI NGƯỜI BÁC GÁI



Bác E. M. kính mến!


Cháu đã nhận được món quà của bác. Cháu rất vui và hạnh phúc khi ở một đất nước khác, thật hùng mạnh và xa xôi, tận bên kia địa cầu, bác vẫn nhớ đến cháu và chúc mừng hạnh phúc của cháu. Cháu dám chắc rằng, đã là phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở tầm tuổi cháu, thì bất kỳ ai cũng đều vui thích khi được tặng một món quà như thế. Nhưng cháu đành phải gửi trả nó lại cho bác thôi. Chắc khi bác nhận lại bưu kiện và bức thư này, bác sẽ vô cùng ngạc nhiên và không đoán ngay được lý do tại sao cháu lại làm như thế! Ai mà không yêu cái đẹp và thích được sở hữu những vật phẩm có giá trị kia chứ!



Bác còn nhớ B. – người bạn gái đi cùng cháu mà bác đã từng gặp vào lần đầu tiên đến thăm Việt Nam 7 năm về trước không ạ? Bạn ấy là con gái cưng của một gia đình khá giả bậc nhất thủ đô Hà Nội. Cháu và bạn ấy có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, sở thích và mối bận tâm cũng không giống nhau. B. hiểu biết và quan tâm tới những bộ sưu tập thiết kế thu đông hay xuân hè từng mùa trong mỗi năm và đã sử dụng qua hầu hết các sản phẩm hàng hiệu. Cháu rành hơn cả B. về xuất xứ của các thương hiệu nổi tiếng. Bạn ấy đặc biệt yêu thích đồ da thật, cháu thì nghiên cứu và tìm hiểu về chúng, về công nghệ thuộc da và lịch sử của nó, về việc xử lý chất thải và tác hại của nó với môi trường. Việc sở hữu các món hàng của những nhãn hiệu da nổi tiếng thế giới giúp chứng tỏ túi tiền và đẳng cấp thời trang của bạn ấy. Cháu thì lại không thấy xấu hổ khi chỉ dùng những sản phẩm được chế tạo từ những chất liệu vải: vải lanh, thổ cẩm, lụa,… nói chung là vải gì cũng được, loại trừ và miễn không phải là da động vật. Ban đầu B. cho rằng cháu ganh tị với những gì bạn ấy có và hoặc không đủ khả năng chi trả hoặc thấy tiếc tiền khi bỏ ra một số tiền lớn chỉ để mua một cái ví. Phải thành thật thú nhận rằng, đã từng có lúc cái lý do không phù hợp với điều kiện kinh tế ấy là đúng. Bạn ấy ra sức mua tặng cháu và đến khi cháu nhất quyết từ chối và thấy cháu ngay cả khi có một khoản tiền vừa sức mua đi nữa cũng luôn lựa chọn những sản phẩm khác, B. mới tin lý do thực sự không phải như thế và mới chịu ngồi nghe cháu giảng giải lý do vì sao bạn ấy không nên tiếp tục ủng hộ những sản phẩm làm từ da. Bởi vì cháu đã được biết tới những ảnh hưởng tới môi trường sinh thái vùng Siberia hay những hóa chất độc hại từ ngành công nghệ thuộc da thải ra môi trường hàng trăm ngàn tấn mỗi năm ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam – đất nước yêu dấu của chúng cháu.

Thưa bác, món quà mà bác tặng cháu không thể dùng được. Cháu xin gửi trả lại, bác thứ lỗi cho cháu! Nó đẹp thật đấy và số tiền mà bác phải trả cho cửa hàng mắc hơn những loại túi xách thông thường mà cháu đang có. Mặc dù vậy cháu vẫn không muốn có nó. Nó quá xa xỉ đối với cháu và để hợp được với nó, cháu sẽ phải mặc váy áo, dày dép hàng hiệu, kèm theo phụ kiện thời trang lóng lánh đắt tiền, đánh phấn trang điểm cầu kỳ, thậm chí phải tô vẽ chăm chút cho từng cái móng tay móng chân mỗi khi mang nó. Thế thì đó không phải là cháu. Và hơn thế nữa, B. sẽ phản ứng ra sao, nếu một ngày nào đó, trong khi mà cháu luôn khuyên nó hãy tẩy chay và không sử dụng những sản phẩm làm từ da động vật, thế mà nó lại phát hiện thấy trong tủ đồ của cháu một cái túi da thương hiệu Louis Vuitton? Các em gái của cháu đang là học sinh và sinh viên chắc cũng sẽ không thích hợp với món quà này. Chắc bà ngoại, mẹ và các cô dì của cháu cũng thế… Thế thì, bác ạ, như cháu đã từng từ chối những món đồ da đắt tiền từ người bạn gái khá thân, và cũng từ chối chúng từ những anh chàng trẻ tuổi hoặc không trẻ tuổi khi cháu còn là cô bé học sinh và nữ sinh viên, bác hãy hứa là bác sẽ không giận cháu vì cháu từ chối cả bác – một người Mỹ tân tiến, một người bạn lớn và đáng kính của cháu…
*
Từ thời cổ đại, ở xứ Bắc Âu, Nam Mỹ,… lạnh giá, người ta buộc phải đối chọi với thời tiết khắc nghiệt, không cách gì khác ngoài việc săn bắn thú để lấy thịt làm thực phẩm và da lông để làm áo giữ ấm, đó là sự lựa chọn bắt buộc để tồn tại, theo quy luật sinh tồn của tạo hóa. Nhưng theo thời gian, càng ngày chúng ta càng thông minh hơn, chúng ta sáng tạo ra nhiều thứ. Chúng ta cũng có một quyền lực tối thượng đối với các sinh vật khác. Con người – kẻ mạnh hơn – có khả năng sinh sát, bắt các loài sinh vật khác phục vụ mình bằng đủ thứ phương tiện: làm lưới, câu bắt cá dưới nước; làm bẫy, cung tên, súng đạn giết loài cầm thú dưới đất, trên không. (Trong khi đó, các loài động vật đã cống hiến cho chúng ta quá nhiều ở tất cả mọi lĩnh vực: giải trí, cung cấp nguồn thực phẩm, sản xuất trang phục và phụ kiện, thí nghiệm trong y học, và đặc biệt hơn cả là sự yêu thương…) Riêng với việc săn bắn, giết hại những con thú quý hiếm để lấy da, lông sử dụng cho ngành công nghiệp thuộc da, ở thế kỷ này, và với khả năng của mình, chúng ta hoàn toàn có rất nhiều sự lựa chọn khác thay thế khác trong tự nhiên: Sợi gai, mây, tre, đay, cói, sợi lanh, tơ tằm, bông thực vật,… và sợi nhựa tổng hợp nhân tạo.



Thay vì sống chan hòa, và có ý thức chừng mực, loài người đã biến mình trở thành một biểu tượng tham lam đáng sợ, thống trị tất cả những loài sinh vật khác trên hành tinh. Để theo đuổi tham vọng của mình, chúng ta chạm đến cái đích tận cùng của sự hủy diệt. Chúng ta tự đặt vào tay mình cán cân công lý và thản nhiên đặt nó nghiêng về phía chúng ta. Như thế, với vị thế của kẻ mạnh, loài người đã loại bỏ vĩnh viễn sự công bằng của vạn vật, của tạo hóa. Bác ơi, cũng như con người, loài vật cũng biết đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng. Khi chúng ta kề dao, chúng cũng kêu khóc và van xin thảm thiết nhưng chúng ta không nghe thấy. Khi chúng ta đánh đập, chúng chảy nước mắt và lả đi vì đau đớn và kiệt sức nhưng ta không nhìn thấy. Trong mắt chúng, loài người như những kẻ khát máu; tham làm và độc ác, hoặc như những vị thánh bị mù và điếc. Đúng thế đấy! Phần lớn, chúng ta chỉ biết giết và giết!

Đã từ rất lâu, loài người tin rằng số phận chúng ta phụ thuộc vào những bàn tay vô hình, những thế lực thần bí nào đó mà chúng ta chỉ biết cầu nguyện sẽ thương xót đến và cứu lấy chúng ta khỏi nỗi bất hạnh, đau khổ. Chúng ta chỉ biết cầu xin và đón nhận. Có khi nào chúng ta làm ngược lại không? (Ý cháu không phải đón nhận và cầu xin ^_^). Bác có từng tự hỏi, trong mắt loài vật, chúng ta là thần thánh, là thượng đế, là chúa, là đấng cứu thế của chúng hay chúng ta là quỷ sa tăng, là sói, là ma cà rồng? Chúng ta ban tặng sự che chở, cứu vớt, giúp đỡ hay đang giáng xuống chúng cái chết và sự đau đớn?
*
Trong những đoạn phim tư liệu về tội ác chiến tranh ở chiến trường miền Nam Việt Nam, và trong một số hình ảnh ghi hình diễn biến trên đất Pháp vào Đại chiến thế giới thứ 1 và ở Trung Đông vào Đại thế chiến thứ 2, cháu luôn bị ám ảnh rằng khi nhìn từ trên cao, hàng đoàn tù binh, người tù khổ sai nối đuôi nhau đi – chậm – chạp như những đàn kiến. Đã có lúc chúng ta cũng nhỏ bé và bất lực như thế… Chúng ta cũng phải đón nhận bệnh tật hay cái chết và cũng sợ hãi chẳng kém và khác gì loài vật khi gặp tai họa, và hứng chịu những cực hình, sự bi thương, và những cái chết vô lý, những nỗi khổ đau như thể từ trên trời giáng xuống. Một mạng người chết đi cũng thật dễ dàng và cũng khắc nghiệt chẳng kém so với động vật đâu…



Trong trí tưởng tượng của những nhà làm phim kinh dị hoặc giả tưởng ở Hollywood, một số bộ phim có đề cập chủ đề sự nổi dậy của động vật: động vật bị đột biến hoặc tiến hóa và trở nên nguy hiểm, chúng tấn công trở lại loài người một cách hung tợn. Khi ấy con người chẳng khác gì những con cá nằm trên thớt, là heo bò bị xẻ thịt, tim gan ruột bày bán ngoài chợ… Các bộ phim ấy ít nhiều cũng có một mặt tích cực là mở mắt cho chúng ta hiểu ra: Rất có thể sẽ đến lúc loài người phải đền tội cho những gì mình đã làm: đối xử tàn tệ với động vật. Trên thực tế thì không có một nhà tù nào như Alcatraz hay Hỏa Lò dùng để giam giữ, trừng phạt những kẻ tàn nhẫn với xúc vật để chúng phải đền tội.

Chúng ta có quyền được lựa chọn giữa việc tự do chém giết một cách thoải mái để thỏa mãn nhu cầu ăn uống, sở thích mặc đẹp,… và việc chọn cách sống giản dị và một chế độ ăn uống thanh đạm để bảo vệ sinh mạng của các con vật khác. Chúng ta có quyền phó mặc tự nhiên, để mặc tạo hóa, mặc kệ trái đất phát triển tùy biến, miễn sao trước mắt là có lợi cho chúng ta, cũng có quyền lựa chọn việc thay đổi để biến hành tinh này ngập tràn tình yêu. .. Vậy thì, nếu không thể từ bỏ quyền lực mà chúng ta tự phong cho mình. Hãy tìm cách sử dụng chúng một cách có ích. Chẳng hạn như hãy khoác lên loài người sứ mệnh cao cả: bảo vệ và giữ cân bằng sinh thái cho hơn 30 triệu loài sinh vật còn lại.
*
Có hàng trăm hãng thời trang da trên khắp thế giới liên tục sản xuất (Louis Vuitton, Bally, Burrery, Gucci, Ferragamo, Gino-Rossi, Mulberry, Hermes, Polo, Versace,…). Nếu bác am hiểu về thời trang và các xu hướng, bác sẽ phải công nhận lông và da chẳng bao giờ lỗi mốt. Thật khó để cưỡng lại những sức hút đến từ chúng (phải thật cương quyết đấy, bác ạ!) và khó hơn nhiều lần để thuyết phục mọi người tẩy chay hàng da. Với nhiều người, đó là một biểu tượng của sự kiêu hãnh và giàu có: sự cầu kỳ, chỉn chu và những đường may tinh xảo, sự tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, chúng mang lại vẻ đẹp hoặc lộng lẫy và quý phái, hoặc thanh lịch và sang trọng; sự phối hợp màu sắc gần gũi và tự nhiên một cách hoàn hảo… (Rõ ràng là nhìn tự nhiên rồi, chúng được làm từ da và lông thật kia mà…). Nhưng đằng sau vẻ đẹp là tội ác man rợ thì thật là đáng sợ. Bao nhiêu cái chết cho một chiếc áo da, lông thú? Hàng triệu triệu động vật đã bị giết chết mỗi năm vì túi xách, ví, giày dép và thắt lưng… (Bác hãy dành một vài phút để xem những hình ảnh ghi lại hành vi lột da thú vật khi chúng đang sống ở Trung Quốc).

Chính sự KHÁC BIỆT về tư tưởng và NHẬN THỨC là nguyên nhân cùng là con người nhưng có cách sống khác nhau. Thế thì việc chúng ta cần làm là thay đổi quan điểm thẩm mỹ của mỗi người. Ví dụ, việc hành hạ hay ăn thịt chó, mèo, vật nuôi khác là điều bình thường ở Việt Nam và một số nước Châu Á khác. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia Tây phương và Hồi giáo, việc giết chó, mèo và ăn thịt chúng bị coi là tàn bạo và bị cấm, cảnh sát sẽ bắt giữ và buộc tội ngược đãi động vật. Giết động vật quý hiếm lấy da và lông là một tội ác; thật đáng hổ thẹn và kinh khủng khi khoác trên mình những thứ được tạo ra từ cơ thể động vật. Chúng ta hãy đồng lòng kêu gọi những người có thói quen sử dụng hàng da tin vào điều đó. Chúng ta đừng cho rằng đó là đẹp mà hãy lên án việc xử dụng hay lăng-xê hàng da là VÔ NHÂN ĐẠO. Hãy tạo ra một bộ luật bảo vệ quyền lợi của động vật được chính thức thông qua chính phủ Việt Nam và ở cả các nước khác.
*
Bác ơi, nếu cứ theo đà xấu, mọi thứ có thể sẽ trở nên xấu đi mãi mãi. Nếu mỗi ngày mỗi nơi trên hành tinh này bớt đi một chút hận thù, sự giết chóc, nỗi đau đớn.. thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Hãy tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo một thế giới hài hòa trên khắp quả đất, không có chiến tranh giết hại nữa. Điều đó có nghĩa chúng ta phải có trách nhiệm và tinh thần nhân đạo. Hãy làm những điều có thể, ít nhất hãy yêu cầu đầu bếp, người bán hàng, người giúp việc của bác chắc chắn rằng chỉ xẻ thịt chúng khi chúng đã chết. Thực tế một chút: Một vài cú đập mạnh vào đầu vỡ sọ chết sau đó mới bị làm thịt dù sao cũng đỡ đau đớn hơn là mổ bụng, lột da, tách mang, xẻ thịt,… khi chúng đang sống (A di đà Phật!). (Cháu biết đôi khi mọi người buộc phải làm những việc mà họ không muốn, cháu từng đi loanh quanh khắp chợ vì không biết sẽ nấu món gì cho chồng, anh ấy không thể ăn chay mãi cùng cháu, và thế là việc của cháu vẫn phải mua thịt mua cá và tôm cua,… Không ăn thì không có sức làm việc… Chồng cháu có một thiệt thòi nhỏ, là hiếm khi được ăn đồ ăn thực sự tươi sống, vì cháu chỉ chọn mua khi chúng đã chết. Cháu thực sự không thể làm thịt một con gà hay cá khi nó còn sống. Cứ như thể chính cháu đang bị cứa – cổ vậy).

Gia đình cháu rất thích ăn chay và ai không ăn chay trường, chay tháng thì duy trì việc ăn chay mỗi tháng 4 ngày đều đặn suốt mười mấy năm trời. Rất nhiều người khác cũng thế. Việc ăn chay đã được nhân rộng ở nhiều quốc gia. Ăn chay không chỉ đơn thuần là bảo vệ sức khỏe, mà còn hạn chế bớt những con vật bị giết để lấy thịt mỗi ngày. Có người nói rằng những người ăn chay vì sợ luật nhân quả báo ứng, nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt, vì nợ máu sẽ phải trả bằng máu không ở kiếp này thì ở kiếp sau, bị buộc tội, đày ải dưới lửa địa ngục. Nhưng cho dù mọi người không sợ luật nhân quả đi nữa thì cũng rất đáng để sống và thực hiện những điều tốt đẹp, NHÂN DANH CON NGƯỜI.

Cháu kể cho bác nghe về lễ kết hôn của cháu vào tháng 2 vừa qua nhé! Vì cháu sinh ra ở một huyện nhỏ ở Cao Nguyên nên đám cưới của cháu được tổ chức ở quê, tại nhà ba mẹ. Mọi nghi lễ được thực hiện đúng với truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, gia đình cháu đã quyết định có một thay đôỉ nhỏ: Yêu cầu phía gia đình của chú rể, lễ vật hỏi cưới không có gà và heo quay. Đó là mộttư tưởng tiến bộ vì ở các vùng quê Việt Nam, người dân quan niệm rằng đi hỏi vợ không đi heo gà quay là đám cưới không sang, không to. Ngày đãi tiệc lễ vu quy ở nhà gái sẽ có khoảng 400 thực khách, có nghĩa là, rất nhiều con vật sẽ bị giết thịt để khoản đãi bấy nhiêu người ăn. Dù gia đình cháu không tự tay làm thịt, những việc ấy đã có đội ngũ nấu bếp và phục vụ của nhà hàng, nhưng mẹ cháu vẫn cảm thấy rất áy náy. Trước ngày cưới một ngày, mẹ cháu ra chợ gom mua tất cả những con vật còn sống (các loại ốc, cá, lươn, chim và cả một vài con mà cháu không biết tên gọi), được khoảng mấy trăm con và phóng sanh cho chúng. Bác có tin không, nhà ba mẹ cháu có ao vườn sau nhà nhưng nuôi cá, gà, chó, mèo,… chỉ để chúng sống thôi, không bao giờ bắt để làm thịt ăn dù trong nhà hết thực phẩm đi nữa… Vật nuôi do mình chăm sóc nên nảy sinh tình cảm bác à…


\\\

Bác là con chiên của Chúa, cháu muốn kể cho bác nghe về Phật. Đức Phật luôn luôn tôn trọng sự sống của kẻ khác, không giết hại và không làm tổn thương, dù là con người hay các loài, dù to lớn hay nhỏ bé, mọi chúng sinh đều có Phật tính như nhau. Vì thế trong năm giới cấm của một người Phật tử hay mười giới cấm của Sa-Di giới, “không sát sinh” đã được Đức Thế Tôn đưa lên trước nhất. Như vậy, chúng ta có thể thấy về Đức Thế Tôn: Ngài quan tâm nhất đến sự sống của chúng sinh. Những người tu hành đạo Phật đến quét nhà hay bước đi cũng phải lần dò nhẹ nhàng vì sợ làm tổn hại sinh mạng côn trùng, sâu kiến. Cháu để ý thấy tất cả những người tu hành chân chính, nhũng người có lòng nhân từ, nuôi dưỡng lòng từ bi, không nỡ sát hại người hay vật thân tâm luôn an ổn, nét mặt hiền hòa.
*
Bức thư này gửi cho bác, cháu sẽ cho các bạn của cháu cùng đọc, và nếu sau đó, khi họ đọc báo trên mạng, bên cạnh những cụm từ quen thuộc được tìm kiếm thường xuyên như “người mẫu…”, “ca sỹ…”, “gây sốc”, “tai tiếng”, “ngôi sao”,… họ bắt đầu thử tìm kiếm về “sự độc hại đến môi trường của công nghệ thuộc da”, họ sẽ thấy có hàng trăm công ty doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đang từng ngày làm nhiễm độc trái đất – môi trường sống của chúng ta và thực sự cần chúng ta lên tiếng. Cháu kêu gọi, thỉnh cầu sự quyết tâm và hợp sức ngăn chặn và phản đối việc đối xử dã man với động vật, kể cả việc nuôi chỉ để lột da và lông của chúng. Cháu chỉ mong muốn có thế, bác ạ!

Bác hãy hồi âm cho cháu nhé! Cháu rất mong nhận được phản hồi của bác và xin bác hãy ủng hộ chúng cháu.

Chúc bác thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa như bác đã từng.
Kính thư,
Cháu
P/S: Bác đang lo về những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thuộc da sẽ phải đóng cửa? Với khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường nhạy bén, họ sẽ xoay sở tốt thôi. Hàng trăm ngàn công nhân trên khắp thế giới sẽ không mất việc làm dù cho chúng ta có thay đổi được hoàn toàn quan điểm thẩm mỹ của mọi người.
(Bài viết chỉ là ý kiến cá nhân ^_^)


Bức tranh mô tả hàng trăm ngàn con gà trống con bị cho vào máy xay vì chúng không có lợi ích kinh tế như nuôi lấy thịt và đẻ trứng Đây là câu chuyện có thật,xảy ra ở nhà máy ấp trứng của bang Iowa, Mỹ. Ngay sau khi được phân loại, những chú gà trống lông vàng xinh xắn bị nghiền nát bởi một chiếc máy đầm áp lực cao. Ước tính, hơn 30 triệu gà trống con bị kết liễu như vậy ở nhà máy này trong một năm.




Jacob Adamson là lính cứu hỏa cư trú tại Anh, một lần tình cờ cứu người, anh cũng đã cứu lấy một con mèo thoát chết khỏi ngọn lửa, Đối với anh mà nói, mạng sống của mèo cũng rất quan trọng, vì thế anh không ngừng ngại lao vào đám lửa cứu nó. Nhìn mèo ta nằm yên trong vòng tay của Jacob , ánh mắt như muốn nói tỏ lòng biết ơn đến anh, xem anh là một vị anh hùng trong lòng nó…

ST 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THUYẾT NÓI VỀ SÁT ĐẠO DÂM

Lời Khấn Nguyện Linh Thiêng

NỢ MẠNG CHÚNG SANH